Dự án SXTN cấp Bộ: “Hoàn thiện công nghệ sản xuất gỗ khối chất lượng cao từ một số loài gỗ rừng trồng phục vụ sản xuất đồ mộc nội thất và hàng thủ công mỹ nghệ”

TÓM TẮT NHỮNG KẾT QUẢ CỦA DỰ ÁN:

  1. Hoàn thiện được quy trình công nghệ tạo vật liệu gỗ ghép khối từ sự kết hợp gỗ Keo tai tượng với gỗ Mỡ; gỗ Bạch đàn Urô với gỗ Mỡ; và gỗ Thông Caribê với gỗ Bạch đàn Urô. Các thông số công nghệ đã được dự án nghiên cứu hoàn thiện và đề xuất bao gồm:
  2. a) Tạo ván bóc: chiều cao dao bóc cho gỗ Bạch đàn Urô là 114 ± 0,3 mm, gỗ Thông Caribê là 113,5 ± 0,3 mm và gỗ Mỡ là 113 ± 0,3 mm; khe dao bóc là 2,0 ± 0,18 mm phù hợp cho cả 3 loại gỗ; thời gian sấy ván bóc Bạch đàn Urô là 14 ± 0,8 phút, ván bóc Thông Caribê và gỗ Mỡ là 12 ± 0,6 phút ở nhiệt độ sấy 110 ± 4 o
  3. b) Tạo ván LVL: Lượng trải keo 1 mặt (trải 2 mặt) là 160 ± 5 g/m2 cho các cặp gỗ Keo tai tượng – Mỡ, Bạch đàn Urô – Mỡ và 180 ± 5 g/m2 cho cặp gỗ Thông Caribê – Bạch đàn Urô.
  4. c) Tạo gỗ khối: Tốc độ đẩy phôi khi xẻ thanh/tấm từ ván LVL bằng cưa rong lưỡi trên phù hợp là 17 m/p; Lượng trải keo 1 mặt cho thanh trước khi ép cao tần là 250 ± 5 g/m2 và cho tấm trước khi ép nguội là 300 ± 5 g/m2; thời gian ép cao tần là 140 ± 4 giây cho ván dày 15 mm, 190 ± 4 giây cho ván dày 25 mm và 220 ± 5 giây cho ván dày 30 mm; thời gian ép nguội hợp lý cho loại gỗ ghép khối dạng hộp là 110 ± 5 phút.
  5. Xây dựng được 01 mô hình quy mô 2000 m3/năm sản xuất vật liệu gỗ ghép khối:

– Đã đề xuất được quy trình công nghệ sơ bộ

– Đã tính toán và lựa chọn 14 loại thiết bị và thiết kế mô hình lý thuyết.

– Đã sản xuất thử nghiệm để hiệu chỉnh thiết bị và công nghệ. Thông số công nghệ và thiết bị sau khi hiệu chỉnh được sử dụng để hoàn thiện 03 quy trình sản xuất gỗ ghép khối từ 3 cặp loại gỗ. Trong đó, quy trình công nghệ sản xuất gỗ ghép khối từ cặp gỗ Bạch đàn Urô – Mỡ đã được công nhận là TBKT. Những điểm mới của TBKT gồm:

+ Vật liệu gỗ ghép khối lần đầu tiên được nghiên cứu từ 02 loại nguyên liệu gỗ rừng trồng nên các thông số công nghệ ở các khâu đã được nghiên cứu để xác định.

+ Cấu trúc xếp lớp tổ hợp từ 2 loại ván bóc có tính chất cơ lý và màu sắc khác nhau đã tạo ra sản phẩm gỗ ghép khối có chất lượng tốt và vân thớ đẹp tự nhiên.

+ Vật liệu gỗ ghép khối từ 2 loại gỗ có bề mặt là vân sọc và các đường cong tự nhiên được sử dụng luôn sau khi sơn phủ PU mà không cần phủ mặt bằng ván lạng, melamine hoặc giấy tẩm keo.

+ Gỗ ghép khối của quy trình có 2 dạng tấm ván và dạng hộp, có tính chất cơ lý tương đương với gỗ nhóm III theo TCVN 12619-1-2019, tạo nên khả năng cạnh tranh tốt so với các loại vật liệu gỗ nhân tạo khác.

  1. Sản xuất thử nghiệm được 150 m3 gỗ ghép khối dạng ván kích thước rộng x dài = 1220 x 2440 mm với 3 cấp kích thước chiều dày (15, 25 và 30 mm); 50 m3 gỗ ghép khối dạng hộp chiều dài 2440 với 3 cấp kích thước rộng x dày (80 x 80, 200 x 80 và 180 x 180 mm).

Dự án đã thiết kế và gia công được 06 loại hình sản phẩm nội thất và 04 loại hình sản phẩm mỹ nghệ (tổng cộng 50 sản phẩm). Kết quả kiểm tra tính thẩm mỹ cho thấy mẫu gỗ ghép khối dạng tấm và dạng hộp khi chưa sơn phủ được đánh giá ở mức độ trung bình nên khi sử dụng cần phải sơn phủ để điều chỉnh độ hài hòa màu sắc, tạo bề mặt biến đổi vân thớ. Sản phẩm mộc nội thất và mỹ nghệ được tạo hình thẩm mỹ đẹp; gần gũi tương tự như gỗ tự nhiên; hài hòa về màu sắc, hình khối, đường nét, tỷ lệ; tính nhịp điệu phát huy tốt đặc tính nguyên liệu; nét độc đáo riêng, đảm bảo an toàn tâm lý thị giác; liên tưởng cách điệu rõ ràng.

Dự án đã đào tạo 03 kỹ thuật viên và tập huấn cho 50 người lao động để nắm rõ lý thuyết và thực hành thành thạo các khâu của quy trình công nghệ là sản phẩm của dự án.